Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

NGUYÊN KHÍ QUỐC GIA

     Trong khi có ông chuyên gia kinh tế xịn, "hết việc" phải ra đường đóng vai phản biện thì lại có những ông tiến sĩ không giải nổi bài toán kinh tế vỡ lòng làm công việc hoạch định chính sách quốc gia. Câu chuyện bi hài này là có thật ở Việt Nam. Người đầu tiên được nhắc tới ở đây là Tiến sĩ Nguyễn Quang A - 1 trong 10 nhân vật có ảnh hưởng đến sự phát triển Internet ở Việt Nam trong 10 năm (1997-2007) theo bầu chọn của các nhà báo trong Câu lạc bộ báo chí Công nghệ. Người thứ hai là đại biểu Quốc hội, Tiến sĩ Luật Đỗ Văn Đương - người vừa làm trò cười tại Kì họp thứ nhất Quốc hội khóa 13 với việc tìm ra sự liên quan giữa giá rau muống với chỉ số lạm phát!!!
   Ông Quang A và ông nghị Đương là những ví dụ cụ thể, như hai gam màu sáng - tối trong bức tranh toàn cảnh  về thực trạng đội ngũ trí thức nước nhà hiện nay. Câu hỏi muôn đời được đặt ra, là tại sao người giỏi thì lại không dùng (hay không dám dùng?), còn người dốt (xin lỗi phải nói thẳng như vậy), dốt đến độ Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan mới đây gọi là "nghị sĩ rau muống", thì lại có chỗ trong cơ quan quyền lực cao nhất của dân là Quốc hội, là sao?
   Không thể nói Đảng không quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ trí thức. Phải nói ngược lại mới đúng. Mới đây, BCHTW Đảng khóa X đã thảo luận và thông qua một nghị quyết quan trọng - Nghị quyết số 27 - NQ/TW "Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".
    Nhưng, định hướng là một chuyện, làm như thế nào lại là một chuyện khác. Thực tế cho thấy, việc sử dụng trí thức ra sao chủ yếu phụ thuộc vào cách nhìn nhận vấn đề của lãnh đạo. Một lãnh đạo kém, có tầm nhìn hạn hẹp, tất nhiên không muốn/không thể dùng người hơn mình một cái đầu. Đấy là điều chắc chắn.
     Khổ nỗi, những nhà lãnh đạo kiểu này thường chỉ thích nghe lời nói ngọt. Mà phàm là những người có tài lại thường hay nói thẳng. Nói thẳng, nói thật thường khó nghe - "trung ngôn nghịch nhĩ". Lãnh đạo lắng nghe thì Dân được nhờ. Lãnh đạo bỏ ngoài tai, chấp vặt thì chỉ có ngồi chơi xơi nước, tệ hơn nữa thì phải ra... đứng đường dù có tài cán đến đâu. Cứ nhìn ông Quang A là rõ.
    Nhưng, nếu cứ bị dồn nén, bạc đãi thì trí thức sẽ ngoảnh mặt, người tài sẽ bỏ đi. Khi đó thì chỉ còn nước  dựa vào những kẻ trí thức rởm, không có thực tài. Đấy là mối nguy. Nguy cho công việc, cho đất nước. Nguy cho cả cái ghế đang ngồi của lãnh đạo...
    Hơn 500 năm trước, vị Tiến sĩ triều Lê, Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung viết: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao; nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp. Bởi vậy các bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp thêm nguyên khí"
   Hiểu theo cách nói của cụ Thân Nhân Trung, nguyên khí ra sao là sự phản chiếu trình độ của  người đứng đầu. Đấy là chuyện xưa. Còn chuyện nay, hiền tài mà có chỉ số IQ cao như ngài "nghị sĩ rau muống" Đỗ Văn Đương trong Quốc hội khóa 13 này - hoặc ông nghị Cảnh ở Hà Nam trong Quốc hội khóa trước, thì quả là đã làm cho thầy dạy phải mất mặt. Những người dân đã trót bỏ phiếu cho các ông này cũng phải xấu hổ thay./.