Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

THÊ HÚC LÀ CẦU ĐỂ RỬA CHÂN?

  
   Tôi không hiểu ông PGS, Tiến sĩ Trần Hùng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, dựa vào nguồn sử liệu nào, độ tin cậy đến đâu mà dám khẳng định trên Bee.net, rằng cầu Thê Húc xưa vốn dĩ là cầu ao, dùng để rửa chân?
   Tôi cho rằng ông Hùng không rõ lịch sử nên mới suy diễn và phán lung tung như thế. Thứ nhất, Hồ Hoàn Kiếm xưa rất rộng. Nó thường được vua chúa dùng làm nơi duyệt thủy binh, nên còn gọi là hồ Thủy Quân. Thuyền chiến chạy được thì ắt phải sâu. Vì sâu nên nước hồ quanh năm xanh nên còn gọi là hồ Lục Thủy. Sâu và rộng như thế thì không thể gọi là ao và lại càng không thể bắc loại cầu ao trên đó được.
    Thứ hai, có thể kiến trúc ban đầu của cây cầu này còn đơn sơ, được làm bằng tre, gỗ như kiểu cầu khỉ ở Nam Bộ. Nhưng chắc chắn là nó được người xưa làm để đi từ bờ ra đảo Ngọc, nơi có ngôi chùa nhỏ mang tên Ngọc Sơn (sau đổi là đền) mà quan Án sát Nguyễn Văn Siêu cho tu bổ vào năm 1865. Chính ông Hùng cũng khẳng định công năng của cây cầu này là để "đi lại". Nhưng điều nực cười ở chỗ là ông Hùng đã tự mâu thuẫn với mình khi sau đó lại khẳng định đó là "cầu ao".
   Thực tế cho thấy, đã là cầu nhỏ, làm bằng tre, gỗ, dùng để đi lại thì không ai đứng đó để mà rửa chân. Làm như thế thì cầu sẽ rất trơn, dễ bị ngã xuống hồ; Hơn nữa, đó lại là cây cầu mà người xưa dùng để ra đảo, vào chùa/đền thắp hương. Tôi có cảm giác là ông Hùng không phân biệt nổi đâu là loại cầu ao, đâu là cầu để đi lại.
      Phát ngôn của PGS, Tiến sĩ Trần Hùng xem ra cũng ấn tượng chẳng kém phát ngôn của ông nghị/Tiến sĩ luật Đỗ Văn Đương về giá rau muống tại kì họp quốc hội vừa qua là bao. "Cũng cờ, cũng biểu, cũng cân đai..." Tiến sĩ, tiến xiếc thời nay sao mà chán thế hả Giời!
   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét