Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

CÁI LÝ CỦA SỰ HOÀI NGHI

   Quốc hội kỳ này có nhiều doanh nhân, hơn nữa lại là những doanh nhân máu mặt. Nhưng chẳng phải tự dưng mà số doanh nhân trong quốc hội lại tăng nhiều như vậy. Và cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà số đại biểu là văn nghệ sĩ lại chẳng có lấy một người. 38-0 - Một tỷ số kì lạ
   Từ cơ cấu này có thể nhận thấy sự thất vọng đối với giới văn nghệ sĩ là rất rõ ràng. Nhưng cũng dễ hiểu thôi: Biển Đông thì đang nổi sóng; Lạm phát thì tăng đến đầu 2, nhất châu Á - nhì thế giới, thì thơ-văn-nhạc-họa chẳng cần dùng đến cũng là phải!!!
   Theo chiều ngược lại, kỳ vọng vào sự đóng góp của giới doanh nhân trong việc kiến thiết, xây dựng đất nước là rất lớn. Có thể nó cũng phản ánh những gì họ đã làm được trong thời gian qua. Nhưng, cái gì cũng có hai mặt của nó. Kì vọng là vậy, nhưng với nhiều người, sự đóng góp của các đại biểu - doanh nhân trong việc hoạch định chính sách quốc gia, vẫn là những dấu hỏi. Chẳng phải đại biểu quốc hội khóa 12 Nguyễn Minh Thuyết trong những lần trả lời báo chí mới đây cũng đã hơn một lần nói đến những băn khoăn về sự công tâm của đại biểu - doanh nhân trong quốc hội trong việc xử lý lợi ích của đất nước và lợi ích của cá nhân/nhóm cá nhân đó sao?
   Và mới chỉ sau 1 kì họp, các câu hỏi được đặt ra ngày càng nhiều hơn.
   Chẳng phải là Báo Đại đoàn kết và Báo Cựu Chiến binh đã công khai nói về những khuất tất của bà nghị họ Đặng đó ư?
   Chẳng phải là bà nghị họ Đỗ cũng đang phải đối mặt trước dư luận về vụ công ty Sonadezi của bà xả nước thải ra sông ư?
   Mà đâu phải đã hết...
   "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Vế đầu tiên đã có vấn đề thì đừng nói đến những gì tiếp theo. Sự hoài nghi xem ra cũng có cái lý của nó.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét