Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

TRÒ LỐ

   Trọc phú là khái niệm dùng để chỉ những kẻ giàu có nhưng dốt nát và hay khoe của. Trọc phú thời xưa, thường là chuyện sau lũy tre làng, giữa phú ông với thằng bờm như vẫn thấy trong ca dao. Xét cho cùng, sự khoe mẽ của phú ông, cùng lắm chỉ loanh quanh qua mấy gian nhà ngói, mấy trăm thửa ruộng... Vậy thôi cũng đủ để tai tiếng lắm rồi. 
   So với trọc phú thời nay, trọc phú xưa chỉ là...muỗi. Cứ nhìn vào đoàn siêu xe gần 30 chiếc, trị giá hàng chục triệu đô, đến từ Sài Gòn, Hà Nội, đang có mặt Đà Nẵng thì biết. Đó là cuộc chơi của những kẻ thừa tiền. Dù núp dưới tên gọi nào, bản chất của chuyến đi này cũng chỉ là việc đem của đi khoe của mấy kẻ lắm tiền, ít chữ. Sự lố bịch, kệch cỡm đã lên đến đỉnh điểm khi người ta diễu cả đoàn xe trị giá mấy trăm tỷ đồng, nói là để đi gom tiền cho trẻ em nghèo. Từ thiện theo kiểu này thì chỉ làm cho người ta thêm nước mắt. Hình ảnh của những người áo rách trong xã hội được đem ra làm bình phong cho cái thú ăn chơi hưởng lạc của mấy kẻ trọc phú thời nay. Khốn nạn!

NGUYÊN KHÍ QUỐC GIA

     Trong khi có ông chuyên gia kinh tế xịn, "hết việc" phải ra đường đóng vai phản biện thì lại có những ông tiến sĩ không giải nổi bài toán kinh tế vỡ lòng làm công việc hoạch định chính sách quốc gia. Câu chuyện bi hài này là có thật ở Việt Nam. Người đầu tiên được nhắc tới ở đây là Tiến sĩ Nguyễn Quang A - 1 trong 10 nhân vật có ảnh hưởng đến sự phát triển Internet ở Việt Nam trong 10 năm (1997-2007) theo bầu chọn của các nhà báo trong Câu lạc bộ báo chí Công nghệ. Người thứ hai là đại biểu Quốc hội, Tiến sĩ Luật Đỗ Văn Đương - người vừa làm trò cười tại Kì họp thứ nhất Quốc hội khóa 13 với việc tìm ra sự liên quan giữa giá rau muống với chỉ số lạm phát!!!
   Ông Quang A và ông nghị Đương là những ví dụ cụ thể, như hai gam màu sáng - tối trong bức tranh toàn cảnh  về thực trạng đội ngũ trí thức nước nhà hiện nay. Câu hỏi muôn đời được đặt ra, là tại sao người giỏi thì lại không dùng (hay không dám dùng?), còn người dốt (xin lỗi phải nói thẳng như vậy), dốt đến độ Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan mới đây gọi là "nghị sĩ rau muống", thì lại có chỗ trong cơ quan quyền lực cao nhất của dân là Quốc hội, là sao?
   Không thể nói Đảng không quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ trí thức. Phải nói ngược lại mới đúng. Mới đây, BCHTW Đảng khóa X đã thảo luận và thông qua một nghị quyết quan trọng - Nghị quyết số 27 - NQ/TW "Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".
    Nhưng, định hướng là một chuyện, làm như thế nào lại là một chuyện khác. Thực tế cho thấy, việc sử dụng trí thức ra sao chủ yếu phụ thuộc vào cách nhìn nhận vấn đề của lãnh đạo. Một lãnh đạo kém, có tầm nhìn hạn hẹp, tất nhiên không muốn/không thể dùng người hơn mình một cái đầu. Đấy là điều chắc chắn.
     Khổ nỗi, những nhà lãnh đạo kiểu này thường chỉ thích nghe lời nói ngọt. Mà phàm là những người có tài lại thường hay nói thẳng. Nói thẳng, nói thật thường khó nghe - "trung ngôn nghịch nhĩ". Lãnh đạo lắng nghe thì Dân được nhờ. Lãnh đạo bỏ ngoài tai, chấp vặt thì chỉ có ngồi chơi xơi nước, tệ hơn nữa thì phải ra... đứng đường dù có tài cán đến đâu. Cứ nhìn ông Quang A là rõ.
    Nhưng, nếu cứ bị dồn nén, bạc đãi thì trí thức sẽ ngoảnh mặt, người tài sẽ bỏ đi. Khi đó thì chỉ còn nước  dựa vào những kẻ trí thức rởm, không có thực tài. Đấy là mối nguy. Nguy cho công việc, cho đất nước. Nguy cho cả cái ghế đang ngồi của lãnh đạo...
    Hơn 500 năm trước, vị Tiến sĩ triều Lê, Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung viết: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao; nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp. Bởi vậy các bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp thêm nguyên khí"
   Hiểu theo cách nói của cụ Thân Nhân Trung, nguyên khí ra sao là sự phản chiếu trình độ của  người đứng đầu. Đấy là chuyện xưa. Còn chuyện nay, hiền tài mà có chỉ số IQ cao như ngài "nghị sĩ rau muống" Đỗ Văn Đương trong Quốc hội khóa 13 này - hoặc ông nghị Cảnh ở Hà Nam trong Quốc hội khóa trước, thì quả là đã làm cho thầy dạy phải mất mặt. Những người dân đã trót bỏ phiếu cho các ông này cũng phải xấu hổ thay./.

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

NHÂN CÁCH

    Các nhà văn, nhà thơ có tên tuổi đang lần lượt rút tên khỏi danh sách đề cử Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực văn học. Người đầu tiên xin rút khỏi Giải thưởng Nhà nước là nhà văn Sơn Tùng. Tiếp đó là gia đình nhà văn Sơn Nam. Sau nữa là nhà văn Nguyên Ngọc - tác giả Rừng xà nu, người đã từng từ chối Giải thưởng Nhà nước trong lần xét giải trước, giờ xin rút khỏi Giải thưởng Hồ Chí Minh. Cùng xin rút khỏi Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này còn có nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.
   Việc rút tên khỏi Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà thơ, nhà văn có tên tuổi nói trên cho thấy uy tín của các giải này đang xuống thấp, nhất là sau một loạt các vụ khiếu kiện và cách thức làm việc thiếu chuyên nghiệp của Ban Tổ chức. Đây là lý do chính khiến những người nghệ sĩ đích thực không muốn đứng chung trong cái mớ hỗn độn này nữa.

THÊ HÚC LÀ CẦU ĐỂ RỬA CHÂN?

  
   Tôi không hiểu ông PGS, Tiến sĩ Trần Hùng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, dựa vào nguồn sử liệu nào, độ tin cậy đến đâu mà dám khẳng định trên Bee.net, rằng cầu Thê Húc xưa vốn dĩ là cầu ao, dùng để rửa chân?
   Tôi cho rằng ông Hùng không rõ lịch sử nên mới suy diễn và phán lung tung như thế. Thứ nhất, Hồ Hoàn Kiếm xưa rất rộng. Nó thường được vua chúa dùng làm nơi duyệt thủy binh, nên còn gọi là hồ Thủy Quân. Thuyền chiến chạy được thì ắt phải sâu. Vì sâu nên nước hồ quanh năm xanh nên còn gọi là hồ Lục Thủy. Sâu và rộng như thế thì không thể gọi là ao và lại càng không thể bắc loại cầu ao trên đó được.
    Thứ hai, có thể kiến trúc ban đầu của cây cầu này còn đơn sơ, được làm bằng tre, gỗ như kiểu cầu khỉ ở Nam Bộ. Nhưng chắc chắn là nó được người xưa làm để đi từ bờ ra đảo Ngọc, nơi có ngôi chùa nhỏ mang tên Ngọc Sơn (sau đổi là đền) mà quan Án sát Nguyễn Văn Siêu cho tu bổ vào năm 1865. Chính ông Hùng cũng khẳng định công năng của cây cầu này là để "đi lại". Nhưng điều nực cười ở chỗ là ông Hùng đã tự mâu thuẫn với mình khi sau đó lại khẳng định đó là "cầu ao".
   Thực tế cho thấy, đã là cầu nhỏ, làm bằng tre, gỗ, dùng để đi lại thì không ai đứng đó để mà rửa chân. Làm như thế thì cầu sẽ rất trơn, dễ bị ngã xuống hồ; Hơn nữa, đó lại là cây cầu mà người xưa dùng để ra đảo, vào chùa/đền thắp hương. Tôi có cảm giác là ông Hùng không phân biệt nổi đâu là loại cầu ao, đâu là cầu để đi lại.
      Phát ngôn của PGS, Tiến sĩ Trần Hùng xem ra cũng ấn tượng chẳng kém phát ngôn của ông nghị/Tiến sĩ luật Đỗ Văn Đương về giá rau muống tại kì họp quốc hội vừa qua là bao. "Cũng cờ, cũng biểu, cũng cân đai..." Tiến sĩ, tiến xiếc thời nay sao mà chán thế hả Giời!
   

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

NỖI XẤU HỔ MANG TÊN KIỆN TỤNG

   Giới nhạc sĩ Việt Nam đang ê mặt bởi các vụ khiếu kiện om sòm liên quan đến việc xét Giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực âm nhạc. Sau Trương Tuyết Mai, Trần Viết Bính, Văn Thành Nho... giờ là đơn kiện vượt cấp của một số nhạc sĩ khác khiếu kiện Hội đồng thẩm định cấp cơ sở Hội Nhạc sĩ Việt Nam không minh bạch trong việc thẩm định, đề cử danh sách xét giải. Cho đến giờ, ít nhất đã có 11 người gửi đơn. Đây không phải là lần đầu tiên các nhạc sĩ Việt Nam đi kiện. Trong lần xét giải trước, cũng đã xảy ra tình trạng khiếu kiện tập thể.
   Chẳng biết kiện tụng rồi sẽ đi đến đâu, song việc này chỉ tổ làm trò cười cho thiên hạ. Chẳng hay ho gì khi vác đơn đến cửa quan chỉ vì muốn có tên mình trong danh sách đề cử. Làm thế thì có khác gì là "đòi". Lại còn khiếu kiện lên tới Chủ tịch nước mới kinh! Nếu cứ thế này, chẳng mấy chốc Hội nhạc sĩ Việt Nam sẽ trở thành nơi tập hợp của những người thích kiện.
    Ở Mỹ, người ta kiện nhau vì để chó sủa làm ồn mất ngủ là chuyện thường ngày ở huyện. Song chẳng ai dại gì mà làm theo kiểu của mấy ông/bà nhạc sĩ nhà ta. Làm thế dư luận họ nhổ cho vào mặt...
   Xưa, cụ Nguyễn Công Trứ từng viết: "Làm trai đứng ở trong trời đất / Phải có danh gì với núi sông". Cái "danh" mà cụ Nguyễn Công Trứ nói tới ở đây chính là chí  làm trai, là sự dấn thân, cống hiến của người quân tử cho dân, cho nước. Cách "ghi danh" với đất nước là như thế, là oai hùng tỏ mặt, chứ làm gì có cái danh phải đi "đòi" như bây giờ.
   Một trong những tính cách đặc trưng của người quân tử xưa là trọng danh dự, đề cao nhân cách, "ngọc nát còn hơn giữ ngói lành". Ngay cả khi đã có công danh, sự nghiệp mà không còn được tin dùng, không thỏa chí, thì dù là quan to trong triều họ cũng chọn cách từ quan và lui về ở ẩn hoặc dạy học để giữ khí tiết. "Tiến vi quan, thoái vi sư" là vậy. Lịch sử còn ghi chuyện về những Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Bùi Huy Bích, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến đó thôi...  Thế mới thấy cái tâm, cái trí của kẻ sĩ khác xa cái tâm, cái trí của mấy người hay đi làm trò mua vui cho thiên hạ nhiều lắm.
   Song, với những người có lòng tự trọng cao như nhạc sĩ Phạm Tuyên hay phú Quang thì họ tuyên bố là không bao giờ làm đơn đi "xin" giải chứ đừng nói tới việc khiếu kiện.
   Ở một góc nhìn khác, việc kiện cáo om sòm này cũng cho thấy cách thức tổ chức, thẩm định, đề cử danh sách Giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực âm nhạc của Hội đồng thẩm định cấp cơ sở Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cao hơn nữa là trách nhiệm của Vụ Thi đua khen thưởng - Bộ Văn hóa, có vấn đề. Không có lửa làm sao có khói? Cái tài, cái tâm của các thành viên Hội đồng thẩm định, trong đó có bố vợ ngài Bộ trưởng Bộ Văn hóa, đang bị dư luận đàm tiếu. Cách giải quyết vụ việc của Vụ thi đua khen thưởng, của Bộ Văn hóa TTDL cũng khiến khối người nổi giận. Đó là nguồn cơn khiến đơn khiếu kiện phải gửi vượt cấp tới tận Chủ tịch Nước.
   Khi sự công tâm và minh bạch đã có vấn đề thì việc Giải thưởng Nhà nước có được trao đúng người hay không rõ ràng là một dấu hỏi to tướng. Mà như thế thì ý nghĩa lớn lao của giải thưởng này đang bị người ta làm méo mó đi nhiều./.

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

KHÔNG BIẾT DỊ

       Trào lưu khoe mông, hở vú của mấy em chân dài đang lây lan như một thứ dịch bệnh. Mọi góp ý, nhắc nhở, phê bình, xử phạt... xem ra cũng bằng thừa đối với loại người không biết xấu hổ này. Đem thân xác ra để PR giữa chốn đông người thì ngay cả đến loại gái đứng đường bán trôn nuôi miệng cũng chẳng dám. Ấy thế mà mấy em làm nghề ca sĩ, người mẫu này lại dám. Khoe thân chán ở phố, giờ lại kéo nhau về tận miền quê nghèo ở Quảng Bình để "lộ hàng" câu khách thì thật là quá chớn. Chỉ số IQ của mấy em này chẳng cần phải nói thì ai cũng biết. PR theo kiểu rẻ tiền, thô bỉ như vậy là cách chứng minh nhanh nhất cái nhìn của người xưa về nghề ca, kĩ là đúng: "Xướng ca vô loài". 
     Trong khi các em chân dài đang thi nhau "lộ hàng" thì cách thức xử lý của quan chức ngành văn hóa nhà ta lại lúng túng như gà mắc tóc. Nói thẳng ra là họ bất lực. Bất lực nên mới như vậy. Quản lý văn hóa mà để môi trường văn hóa bị ô nhiễm một cách tệ hại thì những người có trách nhiệm nên từ chức. Tiền thuế của dân không phải là lá mít. Nhưng, biết đâu họ cũng lại không biết dị thì sao nhỉ ?!

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

NHỚ BẮC




Ai về xứ Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Rồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.


Ai nhớ người chăng? Ôi Nguyễn Hoàng!
Mà ta con cháu mấy đời hoang
Vẫn nghe trong máu hồn xa xứ
Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương.



Vẫn nghe tiếng hát thời quan họ
Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn
Vẫn thương vẫn nhớ mùa vải đỏ
Mỗi lần phảng phất hương sầu riêng.



Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên
Chinh Nam say bước quá xa miền
Kinh đô nhớ lại xa muôn dặm
Muốn trở về quê, mơ cảnh tiên



Ai đi về Bắc xin thăm hỏi
Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa
Hoàn Kiếm hồ xưa Linh Quy hỡi
Bao giờ mang trả kiếm dân ta?

                          Huỳnh Văn Nghệ


      Nhớ Bắc là bài thơ để đời của Huỳnh Văn Nghệ, với những câu được xem là tuyệt bút. Điều đó giải thích tại sao bài thơ được nhiều người truyền tụng đến thế. Tuy vậy, chưa khi nào nó được in trong sách giáo khoa, kể cả là sách tham khảo. Kể cũng lạ...
      Đọc Nhớ Bắc là thấy cả một tâm hồn chiến sĩ - thi sĩ nặng lòng với đất nước chứ nhất quyết không phải là cách nghĩ, cách làm của bọn nghệ sĩ giả cầy, suốt ngày bêu riếu, kiện tụng nhau ỏm tỏi chỉ vì cái danh hão như hôm nay.

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

THỊ TRƯỜNG KÌ QUẶC

     Không hiểu lãnh đạo các bộ, ngành hiểu khái niệm cơ chế thị trường là như thế nào; nhưng thực tế cho thấy, cách thức điều hành một số lĩnh vực đang đi ngược qui luật. Việc điều chỉnh giá xăng dầu là một ví dụ. Giá dầu thế giới tăng thì lập tức giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng. Nhưng khi giá dầu thế giới liên tục giảm như thời gian qua thì giá xăng dầu trong nước lại chẳng hề nhúc nhích. Người ta viện ra đủ thứ lí do để biện minh cho việc này. Nhưng, nói gì thì nói, đó chẳng qua là biểu hiện rõ nét của sự độc quyền và thiếu minh bạch. Người dân có quyền đặt ra các câu hỏi về về thực chất của sự bất hợp lý này là gì, và tại sao người ta lại cố duy trì nó.
     Xem ra, trong 3 lợi ích liên quan đến việc điều chỉnh giá xăng dầu mà người ta hay nói tới, là lợi ích nhà nước - lợi ích doanh nghiệp - lợi ích nhân dân thì lợi ích của dân luôn đứng cuối. Từ đó mà suy ra, khi lợi ích nhà nước và lợi ích doanh nghiệp chưa đủ thì đừng có mơ tới việc giảm giá. Nhưng thế nào là đủ khi miệng con cá ngão lúc nào cũng ngoác ra như thế kia?

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

CÁI LÝ CỦA SỰ HOÀI NGHI

   Quốc hội kỳ này có nhiều doanh nhân, hơn nữa lại là những doanh nhân máu mặt. Nhưng chẳng phải tự dưng mà số doanh nhân trong quốc hội lại tăng nhiều như vậy. Và cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà số đại biểu là văn nghệ sĩ lại chẳng có lấy một người. 38-0 - Một tỷ số kì lạ
   Từ cơ cấu này có thể nhận thấy sự thất vọng đối với giới văn nghệ sĩ là rất rõ ràng. Nhưng cũng dễ hiểu thôi: Biển Đông thì đang nổi sóng; Lạm phát thì tăng đến đầu 2, nhất châu Á - nhì thế giới, thì thơ-văn-nhạc-họa chẳng cần dùng đến cũng là phải!!!
   Theo chiều ngược lại, kỳ vọng vào sự đóng góp của giới doanh nhân trong việc kiến thiết, xây dựng đất nước là rất lớn. Có thể nó cũng phản ánh những gì họ đã làm được trong thời gian qua. Nhưng, cái gì cũng có hai mặt của nó. Kì vọng là vậy, nhưng với nhiều người, sự đóng góp của các đại biểu - doanh nhân trong việc hoạch định chính sách quốc gia, vẫn là những dấu hỏi. Chẳng phải đại biểu quốc hội khóa 12 Nguyễn Minh Thuyết trong những lần trả lời báo chí mới đây cũng đã hơn một lần nói đến những băn khoăn về sự công tâm của đại biểu - doanh nhân trong quốc hội trong việc xử lý lợi ích của đất nước và lợi ích của cá nhân/nhóm cá nhân đó sao?
   Và mới chỉ sau 1 kì họp, các câu hỏi được đặt ra ngày càng nhiều hơn.
   Chẳng phải là Báo Đại đoàn kết và Báo Cựu Chiến binh đã công khai nói về những khuất tất của bà nghị họ Đặng đó ư?
   Chẳng phải là bà nghị họ Đỗ cũng đang phải đối mặt trước dư luận về vụ công ty Sonadezi của bà xả nước thải ra sông ư?
   Mà đâu phải đã hết...
   "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Vế đầu tiên đã có vấn đề thì đừng nói đến những gì tiếp theo. Sự hoài nghi xem ra cũng có cái lý của nó.


Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

ĐÒN BẨN

    Khi hai võ sĩ đấu với nhau, một trong những điều cấm kỵ, là không được nhằm vào bộ hạ để ra đòn. Người ta gọi đó là đòn bẩn. Đã là đòn bẩn thì chỉ có những kẻ tiểu nhân mới dùng. Người quân tử tuyệt nhiên không nghĩ, không dùng đến đòn thế ấy. Chuyện xưa là vậy. Còn trong thời đại kim tiền, khái niệm thế nào là tinh thần thượng võ dường như không còn nữa. 
     Một trong những đòn bẩn mà người ta vẫn thường hay sử dụng để triệt hạ nhau là bới móc đời tư người khác. Nó được dùng ngay cả khi đối thủ đã không còn khả năng tự vệ. Tệ hại hơn là nó được trình diễn công khai trước mắt bàn dân thiên hạ, như trên truyền hình quốc gia mới đây. Thật đáng xấu hổ.
     Kẻ bị ăn đòn thì chẳng nói làm gì. Với kẻ ra đòn thì cũng thật đáng thương thay. Có gan làm được điều ấy thì cùng lắm bộ não cũng chỉ to bằng hạt nhãn. "Trâu chết để da, người ta chết để tiếng", người xưa nói có sai bao giờ đâu.

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

THÁI ĐỘ

     Vậy là án đã tuyên. Mọi chuyện coi như đã xong. Điều đáng quan tâm giờ đây không phải là án mấy năm tù, nặng hay nhẹ, mà là xem dư luận phản ứng ra sao về vụ này.
      Trước hết phải nói đến người Mỹ. Khác với phiên sơ thẩm, lần này, chỉ mấy tiếng sau khi phiên tòa kết thúc, họ đã có phản ứng. Chỉ dấu cho thấy họ theo dõi rất sát sao và ngày càng tỏ thái độ quan tâm hơn.
     Giới blogger có hai luồng ý kiến. Một bên thì ủng hộ Vũ. Một bên thì dè bỉu, chê bôi cả Vũ lẫn người ủng hộ.
     Nhà văn Nguyễn Quang Lập bảo cách làm như vậy là "tiểu khí". Đoan Trang thì xem đây như là "một vụ bê bối".
    Trái chiều với Quang Lập, Đoan Trang, Beo lại tỏ thái độ rất hậm hực. Hậm hực đến mức thiếu văn hóa, y như tên gọi của blogger này. Mang danh nhà báo mà ăn nói như hàng tôm, hàng cá thì quả là một điều sỉ nhục với giới báo chí.
     Dư luận đang ngày càng tỏ ra phân hóa. Chờ xem.