Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

TỰ THUẬT


    Danh chẳng chuốc, lộc chẳng cầu, 
    Được ắt chẳng mừng, mất chẳng âu, 
    Có nước nhiễu song, non nhiễu cửa, 
    Còn thơ đầy túi, rượu đầy bầu. 
    Người tri âm ít, cầm nên lặng, 
    Lòng hiếu sinh nhiều, cá ngại câu. 
    Mấy kẻ công danh nhàn lẵng đẵng 
    Mồ hoang cổ lục thấy ai đâu? 

                         NGUYỄN TRÃI

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

KIỂM CHỨNG

   Cảnh sát Việt Nam tai tiếng khắp thế giới bởi tệ tham nhũng. Có tới 82% trong số 1000 người được hỏi đồng ý cho rằng cảnh sát đứng đầu bảng tham nhũng ở Việt Nam. Đó là kết quả khảo sát về tham nhũng tại Việt Nam và 85 nước khác trên thế giới do tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) - Tổ chức chống tham nhũng toàn cầu tổ chức vào cuối năm 2010.
     Kể từ khi cuộc khảo sát ấy đến nay, tình hình không những không được cải thiện, mà thậm chí còn tệ hơn, ít nhất là đối với cảnh sát giao thông. Những chứng cứ không thể chối cãi từ phóng sự điều tra của báo Tuổi trẻ mới đây cho thấy, suốt dọc đường từ Bắc chí Nam, hầu như ở đâu có cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ là ở đó có tệ vòi vĩnh, có "ăn tiền" mãi lộ của những người vi phạm luật giao thông.
    Việc có thêm nhiều cảnh sát giao thông "bẩn" bị vạch mặt, chỉ tên không khiến dư luận ngạc nhiên, bởi chuyện tham nhũng trong lực lượng này đã diễn ra từ nhiều năm nay rồi. Song, điều khiến người ta phẫn nộ là nó tồn tại một cách ngang nhiên và trắng trợn. 
    Mặc dù vậy, hầu như các vụ "ăn tiền" của cảnh sát giao thông đều do báo chí và người dân phát hiện, tố cáo. Nào có thấy ai bắt cảnh sát ăn tiền mãi lộ bao giờ đâu. Chính quyền và ngành công an dường như đứng ngoài cuộc, thờ ơ với vấn đề của chính mình. Ông Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thanh Hóa nói với Tuổi trẻ, rằng ông và Ban Giám đốc công an tỉnh rất "bất ngờ" khi nhân viên của mình bị phát hiện "ăn tiền" mãi lộ thì đủ biết nỗ lực chống tham nhũng của họ là như thế nào rồi.
    Còn nhớ năm ngoái, khi VietNamNet chạy tít "Cảnh sát đứng đầu bảng về tham nhũng", đưa tin về kết quả khảo sát của tổ chức Minh bạch Quốc tế, tờ báo điện tử này sau đó đã phải gỡ bài, Tổng biên tập Nguyễn Anh Tuấn phải "nhận hình thức kỉ luật khiển trách". Lí do, theo chính tờ báo này, là "có đưa một số chi tiết liên quan đến một số cơ quan Việt Nam chưa được kiểm chứng". 
     Trong khi đó, đại diện TI tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, đã nói trên BBC, rằng Chính phủ Việt Nam đánh giá khảo sát của Minh bạch Quốc tế là "khách quan". Thật là bi hài!
     Không hiểu, hình ảnh về hàng chục cảnh sát "ăn tiền" vừa được phanh phui trên báo chí, liệu đã đủ để Chính phủ và Bộ Công an xem đó là bằng chứng thuyết phục về tệ nạn tham nhũng đang lan tràn trong lực lượng cảnh sát hay chưa? Hay là còn phải chờ thêm những chứng cứ thuyết phục hơn?
 

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

HOÀNG HẠC LÂU



                                                Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
                                                Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu.
                                                Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
                                                Bạch vân thiên tải không du du.
                                                Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
                                                Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
                                                Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
                                                Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
                              Thôi Hiệu
Dịch nghĩa:
Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi,
Nơi đây chỉ còn lại lầu Hoàng Hạc
Hạc vàng một khi bay đi đã không trở lại
Mây trắng ngàn năm vẫn phiêu diêu trên không
Mặt sông lúc trời tạnh, phản chiếu cây cối Hán Dương rõ mồn một
       Trên sông khói tỏa, sóng gợn, khiến buồn lòng người!
Cỏ thơm trên bãi Anh Vũ mơn mởn xanh tươi
Trời về chiều tối, tự hỏi quê nhà nơi đâu?
Tản Đà dịch thơ:
                                             Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
                                             Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ!
                                             Hạc vàng đi mất từ xưa,
                                             Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
                                             Hán Dương sông tạnh cây bày,
                                             Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
                                             Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
                                             Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

MẮT NGƯỜI SƠN TÂY


Em ở  thành Sơn chạy giặc về,
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi.
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì.

Vầng trán em mang trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây phương.
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm,
Em đã bao ngày em nhớ thương?...

Từ độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn ôi lại nối điêu tàn!
Đất đá ong khô nhiều suối lệ
Em đã bao ngày lệ chứa chan?

Mẹ tôi em có gặp đâu không?
Những xác già nua ngập cánh đồng.
Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ,
Bao năm rồi xác trẻ trôi sông.

Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây.

Tôi gửi niềm nhớ thương,
Em mang giùm tôi nhé
Ngày trở lại quê hương
Khúc hoan ca rớm lệ.

Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn,
Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng.
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng.

Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta?...
                     Quang Dũng (1949)


      Quang Dũng là người tài hoa. Một số bài thơ của ông đã được phổ nhạc như Tây Tiến (Phạm Duy), Đôi mắt người Sơn Tây (Phạm Đình Chương phổ từ hai bài thơ Đôi bờ và Đôi mắt người Sơn Tây), Kẻ ở (Cung Tiến). Đặc biệt bài thơ Em mãi là 20 tuổi của ông được 3 nhạc sĩ, là Việt Dzũng, Phạm Trọng Cầu, Khúc Dương cùng phổ nhạc. 
       Quang Dũng được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật vào năm 2001.
       Tài hoa là vậy, song đúng là "Chữ tài liền với chữ tai một vần". Vì dính đến vụ án văn chương Nhân văn - Giai phẩm mà ông đã bị gửi đi chỉnh huấn. Sau đó, ông lui về ẩn thân trong nghèo nàn và bệnh tật. Trong một thời gian dài, thơ ông bị lôi ra phê bình trên báo chí miền Bắc vì hơi hướng "tiểu tư sản" và "thiếu tính chiến đấu"; còn ở miền Nam thì lại được xuất bản, phổ biến rộng rãi. 
      Quang Dũng mất trong âm thầm vào năm 1988. Không hiểu những người từng trực tiếp và gián tiếp lôi ông ra "đấu tố" trên văn đàn ngày nào, giờ gặp lại nhau nơi chín suối, liệu có còn dám ngẩng mặt lên nhìn ông nữa không nhỉ?!
   

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

CON QUAN

      Gần 70 năm sau ngày Cụ Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, những tàn dư của chế độ cũ tưởng chừng như đã được vùi sâu, chôn chặt, giờ lại thấy lộ diện ngày một công khai. Chuyện con ông cháu cha là một ví dụ.
      Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu con ông cháu cha là những người tài giỏi, xuất chúng. Hãy nhìn sang Ấn Độ, hoặc xa hơn nữa là nước Mỹ mà xem. Ở đó có những dòng họ danh tiếng, cùng những nhân vật đã đi vào lịch sử, như Nehru-Gandhi, Kennedy, Bush...
     Ở những nước phát triển, khi pháp luật được thượng tôn và đạo đức được xem như là thước đo địa vị chính trị thì chuyện con ông cháu cha được kiểm soát khắt khe. Mọi hành vi tiêu cực, khi bị phát hiện, đều phải trả giá thích đáng. Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc, ông Yu Myung Hwan mới đây đã phải mất chức vì ưu đãi người nhà trong tuyển dụng nhân sự. 
     Chuyện ông Yu mà đem áp dụng ở Việt Nam, nói nhại theo lời ông Nguyễn Sinh Hùng khi còn là Phó thủ tướng, thì có lẽ đất nước này sẽ không còn đủ người để mà làm việc. Đây không phải là cách nói phóng đại. Cứ nhìn từ trên xuống dưới, nhìn từ xa đến gần, từ trái qua phải là thấy rõ. Sự thật hiển nhiên là lớp con ông cháu cha không có năng lực làm việc nhưng lại nhờ thần thế bố mẹ, họ hàng, quen biết, gửi gắm, đang đầy rẫy trong bộ máy công quyền.
      Tệ con ông cháu cha thường dẫn đến nhiều hệ lụy xấu. Hệ lụy thứ nhất là bộ máy công quyền sẽ thiếu tính cạnh tranh, không có lãnh đạo giỏi. Hệ lụy thứ hai là dễ làm nảy sinh tệ nạn tham nhũng. Hệ lụy thứ ba là nó làm cho người dân mất niềm tin vào chính quyền v.v.
    Khi niềm tin đã mất thì cũng có nghĩa chỗ dựa vào dân cũng không còn. Mà điều này lại ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ. Mấy trăm năm trước, Hồ Nguyên Trừng, con trai trưởng của Hồ Quí Ly, đã phải thốt lên với vua cha rằng: "Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi." Quả nhiên là như thế. Bởi lòng dân không theo nên cha con họ Hồ, dù thông minh, tài giỏi hơn người, cũng phải ôm hận để nước mất về tay quân Minh và chịu cảnh lưu đày nơi đất khách quê người. Sau này, sử thần Ngô Sĩ Liên bình: "Mệnh trời là ở lòng dân. Câu nói của Trừng hiểu được điều cốt yếu đó". Hiểu mà không thể xoay chuyển được tình thế thì đó là bi kịch. Nỗi hận của cha con họ Hồ chính là ở chỗ đó.
       Đấy là chuyện xưa. Chuyện thế giới ngày nay thì đang hiện rõ trước mắt. Iraq, Ai Cập và giờ là Libya đang rối loạn, mà nguyên nhân một phần cũng bởi tệ con ông cháu cha kéo dài khiến cho lòng người bất bình, oán hận. Vật cùng tắc phản. Hệ quả là cha con Tổng thống Saddam Hussein sa cơ mà bỏ mạng; Gia đình Tổng thống Mubarak lâm vào cảnh tù tội, ly tán; Tính mạng cha con Tổng thống Gaddafi giờ như chỉ mành treo chuông...
     Lịch sử còn nhiều bài học hay mà người ta không học hoặc không muốn học.
    Sử chép: "Thủ Độ có lần duyệt định số hộ khẩu, quốc mẫu xin riêng cho một người (cháu) làm câu đương. Thủ Độ gật đầu, rồi ghi họ tên quê quán của người đó. Khi xét duyệt đến xã ấy, hỏi tên mỗ ở đâu, người đó mừng rỡ bảo hắn là người được quốc mẫu xin cho. Thủ Độ nói: “ Ngươi vì có quốc mẫu xin cho được làm câu đương (một chức cỡ trương tuần) không thể ví với những câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt". Người đó kêu van xin thôi mãi mới tha cho. Từ đó không ai dám đến thăm xin xỏ việc riêng nữa".
    Nếu mỗi chính trị gia thời nay chỉ cần học Trần Thủ Độ một chút, thế thôi là cũng đủ phúc ấm cho đất nước này. Song thực tế cho thấy thì hầu như chẳng còn ai muốn làm như thế nữa. Sự xấu hổ có lẽ cũng đã trở thành một thứ xa xỉ. Một blogger bình luận rằng: "nói chuyện xấu hổ với chính khách thì có khác nào nói chuyện trinh tiết ở lầu xanh". Quả nhiên là đúng!
     

Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2011

QUAN HẢI

Thung mộc trùng trùng hải lãng tiền,
Trầm giang thiết tỏa diệt đồ nhiên.
Phúc chu thủy tín dân do thủy,
Thị hiểm nan bằng mệnh tại thiên.
Họa phúc hữu môi phi nhất nhật,
Anh hùng di hận kỷ thiên niên.
Càn khôn kim cổ vô cùng ý,
Khước tại thương lang viễn thụ yên.



Dịch:
Lớp lớp cọc ngăn giữa sóng nhồi,
Thêm ngầm dây sắt, uổng công thôi.
Lật thuyền, thấm thía dân như nước,
Cậy hiểm, bằng đâu mệnh ở Trời.
Hoạ phúc mối mầm không một chốc,
Anh hùng để hận cả nghìn năm.
Xưa nay trời đất vô cùng ý,
Nơi sóng xanh cây khói tuyệt vời.

                                Nguyễn Trãi

Thứ Năm, 1 tháng 9, 2011

TÒNG GIÁ HOÀN KINH




                                                 Đoạt sáo Chương Dương độ
                                                 Cầm Hồ Hàm Tử quan
                                                 Thái bình nghi nỗ lực
                                                 Vạn cổ thử giang san
                      
Trần Trọng Kim dịch:
                                                    Chương Dương cướp giáo giặc,
                                                    Hàm Tử bắt quân thù
                                                   Thái bình nên gắng sức,
                                                           Non nước ấy ngàn thu.    


    Tòng giá hoàn kinh - Theo giá Vua về lại kinh đô (còn được biết đến với các tên như Tụng giá hoàn kinh sư, Tụng giá hoàn kinh sứ) là bài thơ do Trần Quang Khải viết sau khi quân dân nhà Trần chiến thắng quân Nguyên lần thứ hai. Bài thơ đại ý‎ nói về cảm xúc người tướng khi theo xa giá vua trở về kinh đô khải hoàn.
    Trần Quang Khải (12411294) là đại thần nhà Trần, làm đến chức Tể tướng đời Trần Thánh Tông. Sang đời Trần Nhân Tông, năm Thiệu Bảo thứ 4, khi quân Nguyên sang đánh Đại Việt, ông được phong chức Thượng tướng Thái sư, lãnh binh trấn giữ mặt Nam đất Nghệ An, lập công lớn tại Chương Dương Độ. Khi dẹp tan quân Nguyên, triều đình xét công, ông đứng vào bậc nhất. 
     Đại Việt sử kí toàn thư chép: 
    "Quang Khải lúc mới sinh, phát chứng kinh suýt chết, Thái Tông lấy áo của Thượng hoàng và thanh gươm báu truyền quốc để bên cạnh rồi bảo: "Nếu sống lại, sẽ ban cho những thứ này".
    Đến khi sống lại, Thái Tông nói: "Gươm báu truyền quốc, không thể trao bừa, chỉ ban cho áo của Thượng hoàng thôi"


"