Khứ niên kim nhật thử môn trung,
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
Thôi Hộ
Đề thơ ở trại phía Nam Đô thành
Năm trước ngày này tại cửa này
Hoa đào cùng với mặt người ánh tươi
Người đi đâu biệt mất rồi,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió xuân.
Thôi Hộ, tự Ân công, người quận Bác Lăng, đời Đường Đức Tông (?), nay là huyện Định, tỉnh Trực Lệ, Trung Quốc.
Thôi Hộ vốn lận đận khoa cử, lại là người tuấn nhã, phong lưu nhưng sống khép kín, ít giao du. Một lần nhân tiết Thanh minh, chàng trai Thôi Hộ dạo chơi phía nam thành Lạc Dương. Nhân thấy một khuôn viên trồng đào rất đẹp, tươi thắm những hoa, chàng đến gõ cổng xin nước uống. Lát sau lại thấy một thiếu nữ diễm lệ e ấp nấp trong vườn đào. Uống nước xong, chàng ra đi.
Năm sau, cũng trong tiết Thanh minh, người con trai trở lại chốn cũ, nhưng cổng đóng then cài, gọi mãi không thấy ai. Chàng viết bài thơ trên dán trên cổng. Lâu sau nữa, khi trở lại, chợt nghe tiếng khóc từ trong nhà vọng ra rồi thấy một ông lão ra hỏi chàng có phải là Thôi Hộ không và cho biết con gái của cụ sau khi đọc xong bài thơ bỏ cả ăn uống, đã chết, xác vẫn còn ở trong nhà. Thôi Hộ tìm vào đến bên xác người con gái, tuy đã tắt thở nhưng vẫn còn ấm và mặt mày vẫn hồng nhuận. Chàng quỳ xuống than van kể lể. Người con gái sống lại và họ trở thành vợ chồng. Bài thơ ghi lại mối tơ duyên bất hủ nhuốm màu sắc một huyền thoại.
Đến năm 796, niên hiệu Trinh Nguyên, Thôi Hộ đậu tiến sĩ, làm tiết độ sứ Lĩnh Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét