Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

CÁO TẬT THỊ CHÚNG




                                                           Xuân khứ bách hoa lạc
                                                           Xuân đáo bách hoa khai
                                                           Sự trục nhãn tiền quá
                                                           Lão tòng đầu thượng lai
                                                           Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
                                                           Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
                                                                                   Thiền sư Mãn Giác


    Mãn Giác (1052-1096), là một thiền sư thuộc đời thứ 8 của dòng thiền Vô Ngôn Thông. Sư nối pháp thiền sư Quảng Trí và truyền tâm ấn lại cho đệ tử là Bản Tịnh. Đại sư Mãn Giác tên tục là Nguyễn Trường, thân phụ là Hoài Tố làm chức Trung thơ Viên ngoại lang. Thiếu thời, Lý Nhân Tông thường mời con em các danh gia vào hầu hai bên, Nguyễn Tường nhờ nghe nhiều, nhớ kỹ học thông cả Nho, Thích nên được dự tuyển. Sau những lúc việc quan, Nguyễn Tường thường chú tâm vào Thiền học. Đến khi vua lên ngôi, vì rất mến chuộng nên vua Lý Nhân Tông ban cho Nguyễn Trường hiệu Hoài Tín. Sau đó, Hoài Tín dâng biểu xin xuất gia, học với Thiền sư Quảng Trí và vân du khắp nơi. Sư là bậc lĩnh tụ pháp môn trong một thời, được vua Lý Nhân Tông cùnghoàng hậu hết sức kính nể và dựng chùa Giáo Nguyên thỉnh Sư làm trụ trì. Năm 1096, cuối tháng 11, Sư gọi chúng đọc bài kệ, sau này được biết dưới tên Cáo tật thị chúng (Có bệnh bảo mọi người). 
 Giáo sư Trần Quốc Vượng dịch:
        Xuân đi trăm hoa rụng
        Xuân tới trăm hoa cười
          Trước mắt, việc ruổi mãi
    Trên đầu, già đến rồi
                              Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
                                 Đêm qua hiên trước một cành mai.            
                                                 

     Cáo tật thị chúng là tác phẩm thi kệ nổi tiếng thời kì văn học Lý-Trần, một tuyên ngôn triết học ẩn ngữ dưới hình thức nghệ thuật văn chương. Bài thơ mượn cảnh thị tình, lấy tình "trực chỉ chân tâm" nhằm khai phóng nhân sinh. 
     Dùng tư duy trực giác để hình thành nên một biểu tượng, bài thơ bắt đầu từ chỗ miêu tả một thực tại, một hình ảnh đơn giản, sinh động: khai, lạc của hoa mai (đào hoa, xuân hoa...) là cái nhãn tiền tự nhiên nhi nhiên:
Xuân khư bách hoa lạc / Xuân đáo bách hoa khai

     Không có mới cũng chẳng có cũ, không có đi cũng chẳng có về; đáo hay khứ thực ra chỉ là một thực tại bị chia cắt thành những khái niệm mà chỉ cần khởi tâm trí tuệ thì bỗng dưng được con mắt sáng mà nhìn, mà nghe, mà cảm nhận cái thi vị của cuộc đời sau những tột cùng vô biên của sự phân chia, tách bạch.
     Tự nhiên, có con mắt thứ nhất mở ra phía trước nhìn vào chốn sinh linh mà lời rằng: đừng bảo, đừng nói, đừng ngộ nhận, chớ lời, chớ chắc, chớ đoan... và còn con mắt thứ hai dành cho kẻ Xuân Thu biết vui thú du xuân bốn mùa sẽ có được:
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
     Cùng với muôn vàn con mắt đang phô diễn, một cành mai trước sân cũng khiến cho sự liên tưởng (của người đọc) đến tâm thế của kẻ như đứng một mình giữa đất trời mà rơi lệ.
                                                                                                                             (theo wiki)

MỘT NHÁNH ĐÀO PHAI

                                                              "Em gửi cho ta một nhánh đào phai
                                                               Như muốn nhắc vườn Nhật Tân ngày ấy.
                                                               Dẫu đã hẹn ra đi rồi trở lại,
                                                               Để bây giờ thao thức mãi đào hoa".
                                                                                                  Hồng Đức


        

LẬP LỜ ĐÁNH LẬN CON ĐEN...

   

Dư luận đang sôi lên với chuyện văn bia ở xứ Nghệ. Trong số những người ủng hộ việc thay văn bia, ngoài các quan chức xứ Nghệ ra, còn có những người đang bị giới bloger phỉ nhổ như Beo, lại có cả những người nhân danh nhà văn, hay nói chuyện chữ nghĩa, "văn chương - thế sự" như ông Đào. Đấy là những người tiêu biểu. Thực ra, chuyện phản đối hay ủng hộ thay văn bia ở đền thờ vua Quang Trung cũng là chuyện thường tình như bất kì một sự việc gây tranh cãi nào khác. Vấn đề là khi tranh luận để tìm ra đúng - sai, phải - trái, cần có lập luận khoa học một cách rõ ràng để thuyết phục người khác, chứ nhất quyết không phải là chuyện nói lấy được hoặc cố tình lập lờ, nước đôi như kiểu Beo và ông Đào. 
    Beo thì chẳng cần phải nói thêm bởi cái chất vô văn hóa của cô ta vẫn luôn hiện hữu trên blog của mình. Còn ông Đào - cái ông nhà văn hay bàn chuyện "thế sự" này, sau khi vòng vo tam quốc một hồi, cuối bài viết của mình, đã kết luận một câu chắc nịch, là không có chuyện đục bỏ văn bia ở đền thờ vua Quang Trung. Đúng là không có chuyện đục đẽo gì cả. Không đục bia nhưng họ lại cho dán đè lên bằng một tấm văn bia khác. Việc ấy thì cũng có khác gì đục văn bia đâu. Khổ nỗi, ông Đào lại cố tình lờ đi cái chi tiết quan trọng ấy. Chưa bàn đến chuyện hay - dở, nên - không nên thay văn bia; Cũng chưa bàn đến thái độ, cách thức xử lý của quan chức xứ Nghệ về việc này; Song, bản chất của sự việc là thay cũ, đổi mới. Chuyện đã rõ như ban ngày, chẳng cần phải bàn cãi. Đến khi bị dư luận phản đối thì ông ta liền rút bài viết xuống rồi xoay ra đổ cho người đọc không hiểu ý. Rồi sau lại nói đó là ý kiến của người quản lý di tích chứ không phải của ông. Thế mới thấy cái kiểu nói lập lờ của ông Đào, chủ ý là ngầm ủng hộ việc thay văn bia của quan chức xứ Nghệ, nhưng lại không dám nói ra mồm. Đến khi bị bóc mẽ lại chối bay, chối biến. Tởm.
      Phàm đã là trí thức thì ngoài hàm lượng tri thức ra còn cần một thứ rất quan trọng khác đó là NHÂN CÁCH. Sự lập lờ chẳng phải là cách để người ta khẳng định tài năng hay nhân cách của mình. Đã như thế thì thôi. Thôi cũng đừng bàn chuyện "văn chương - thế sự" làm gì cho rách việc. Chẳng bõ người ta cười cho vào mặt.

ĐỀ ĐÔ THÀNH NAM TRANG


       Khứ niên kim nhật thử môn trung,
           Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
      Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
                                         Thôi Hộ

        Đề thơ ở trại phía Nam Đô thành

         Năm trước ngày này tại cửa này
                 Hoa đào cùng với mặt người ánh tươi
Người đi đâu biệt mất rồi,
                   Hoa đào năm ngoái còn cười gió xuân.

     Thôi Hộ, tự Ân công, người quận Bác Lăng, đời Đường Đức Tông (?), nay là huyện Định, tỉnh Trực Lệ, Trung Quốc. 
    Thôi Hộ vốn lận đận khoa cử, lại là người tuấn nhã, phong lưu nhưng sống khép kín, ít giao du. Một lần nhân tiết Thanh minh, chàng trai Thôi Hộ dạo chơi phía nam thành Lạc Dương. Nhân thấy một khuôn viên trồng đào rất đẹp, tươi thắm những hoa, chàng đến gõ cổng xin nước uống. Lát sau lại thấy một thiếu nữ diễm lệ e ấp nấp trong vườn đào. Uống nước xong, chàng ra đi.
   Năm sau, cũng trong tiết Thanh minh, người con trai trở lại chốn cũ, nhưng cổng đóng then cài, gọi mãi không thấy ai. Chàng viết bài thơ trên dán trên cổng. Lâu sau nữa, khi trở lại, chợt nghe tiếng khóc từ trong nhà vọng ra rồi thấy một ông lão ra hỏi chàng có phải là Thôi Hộ không và cho biết con gái của cụ sau khi đọc xong bài thơ bỏ cả ăn uống, đã chết, xác vẫn còn ở trong nhà. Thôi Hộ tìm vào đến bên xác người con gái, tuy đã tắt thở nhưng vẫn còn ấm và mặt mày vẫn hồng nhuận. Chàng quỳ xuống than van kể lể. Người con gái sống lại và họ trở thành vợ chồng. Bài thơ ghi lại mối tơ duyên bất hủ nhuốm màu sắc một huyền thoại.
   Đến năm 796, niên hiệu Trinh Nguyên, Thôi Hộ đậu tiến sĩ, làm tiết độ sứ Lĩnh Nam.